Để có thể quản lý hàng hóa và tối ưu lợi nhuận, chủ doanh nghiệp/cửa hàng cần phải hiểu rõ và tính toán chính xác giá vốn hàng bán. Vậy giá vốn hàng bán là gì? Làm thế nào để tính được giá vốn bán hàng? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Tinai để hiểu thêm về khái niệm này nhé.
Giá vốn hàng bán là gì?
Giá vốn hàng bán (tiếng Anh: Cost of goods sold - COGS) bao gồm tất cả các chi phí liên quan trực tiếp đến việc sản xuất hàng hóa bán ra của một công ty. Số tiền này bao gồm chi phí nguyên vật liệu và nhân công trực tiếp sử dụng để tạo ra hàng hóa. Giá vốn không bao gồm các chi phí gián tiếp như chi phí phân phối và marketing.
Giá vốn hàng bán được trừ vào doanh thu (bán hàng) để tính lợi nhuận gộp (gross profit) và tỷ suất lợi nhuận gộp (gross margin). Giá vốn hàng bán cao hơn dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Giá trị của giá vốn hàng bán sẽ thay đổi tùy thuộc vào các chuẩn mực kế toán được sử dụng để tính toán.
Công thức tính vốn hàng bán:
Giá vốn bán hàng = Hàng tồn kho đầu kỳ + P - Hàng tồn kho cuối kỳ
Với P = Giá trị hàng được mua trong kỳ
Hàng tồn kho đầu kỳ là hàng tồn kho còn lại từ năm trước — nghĩa là hàng hóa chưa được bán trong năm trước. Vào cuối năm, các sản phẩm không bán được (Hàng tồn kho cuối kỳ) sẽ được trừ vào tổng của Hàng tồn kho đầu kỳ và Hàng tồn kho được mua trong năm (P). Con số cuối cùng thu được từ phép tính này là giá vốn hàng bán trong năm.
Một ví dụ tính giá vốn hàng bán
Để minh họa cho cách tính giá vốn hàng bán, hãy theo dõi ví dụ dưới đây.
Một công ty X có giá trị hàng tồn kho đầu kỳ là 2.5 tỷ đồng, giá trị hàng mua trong năm là 6.8 tỷ đồng, giá trị hàng tồn kho cuối kỳ là 1.9 tỷ đồng. Như vậy, giá vốn hàng bán của năm của doanh nghiệp X được tính như sau:
Giá vốn hàng bán = 2.5 + 6.8 – 1.9 = 7.4 (tỷ đồng)
Tải ngay ứng dụng Tinai giúp ghi chép thu chi, công nợ và quản lý hàng hóa dành cho các cửa hàng và hộ kinh doanh. Miễn phí 100%.
.png)
Giá vốn bán hàng sẽ cho bạn biết điều gì?
Giá vốn hàng bán là một số liệu quan trọng trên báo cáo tài chính vì nó được trừ vào doanh thu của một công ty để xác định lợi nhuận gộp của công ty. Thông thường, mục tiêu của các doanh nghiệp là làm sao để giảm được giá vốn bán hàng để từ đó tăng lợi nhuận gộp và cuối cùng là lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.
Giá vốn hàng bán bao gồm các chi phí trực tiếp khác nhau liên quan đến việc sản xuất ra hàng hóa, chẳng hạn như giá của nguyên vật liệu thô hoặc chi phí lao động trực tiếp làm ra sản phẩm. Ngược lại, các chi phí cố định như lương quản lý, tiền thuê nhà và điện nước không được tính vào giá vốn hàng bán. Việc phân tích từng thành phần tạo nên giá vốn hàng bán sẽ giúp bạn xác định cần tối ưu chi phí nào để giảm giá vốn hàng bán.
Các phương pháp giá vốn hàng bán
Giá vốn hàng bán phụ thuộc vào phương pháp tính giá hàng tồn kho. Hiện nay, có ba phương pháp mà một công ty có thể sử dụng để tính giá vốn hàng bán trong kỳ: Nhập trước, Xuất trước (First in, First out - FIFO), Nhập sau, Xuất trước (Last in, First out - LIFO) và Bình quân gia quyền.
Phương pháp FIFO
Hàng hóa được mua vào hoặc được sản xuất trước sẽ được bán trước. Phương pháp này phù hợp với những doanh nghiệp bán các mặt hàng có hạn sử dụng như đồ ăn.
Phương pháp LIFO
Hàng hóa được mua vào hoặc được sản xuất sau cùng sẽ được bán trước. Phương pháp này không thực sự phổ biến và không được chấp nhận dưới Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Phương pháp bình quân gia quyền
Phương pháp Bình quân gia quyền lấy giá trung bình của tất cả hàng hóa trong kho để làm giá vốn hàng bán, bất kể thời điểm mua vào. Việc tính giá thành sản phẩm trung bình sẽ đảm bảo giá vốn hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi mức giá thất thường của một vài lô hàng. Đây cũng là phương pháp tính giá vốn hàng hóa phổ biến nhất hiện nay.